Thời tiết chuyển mùa dễ khiến cho trẻ em bị các bệnh về đường hô hấp. Một trong những phản ứng nguy hiểm đó là co giật sốt cao. Khi đó, phụ huynh cần có những kiến thức cần thiết để xử lý
Hiện tượng co giật rất có hại cho cơ thể và bộ não của trẻ do thiếu oxy não, nhất là nếu cơn co giật kéo dài và xuất hiện nhiều lần. Trong cơn co giật, trẻ thường nôn mửa, nếu người lớn không có cách xử trí đúng và kịp thời thì có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: “Trong các trường hợp trẻ bị co giật do sốt cao, điều quan trọng lúc này là người mẹ phải bình tĩnh, để trẻ được thông thoáng, lật và giữ trẻ nằm nghiêng trong và sau khi hết cơn co giật, không được đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ. Ngoài ra, không được cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc an thần, chống co giật nào ngoài thuốc hạ sốt.
Nếu trẻ có ứ đọng hầu họng nhiều, cha mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng. Động tác này có thể giúp dẫn lưu chất tiết hoặc sữa ra khỏi miệng nhằm tránh gây tắc nghẽn đường thở hoặc sặc ngược vào phổi. Nếu chất tiết nhiều quá thì có thể dùng thiết bị hút chuyên dụng hoặc dùng miệng để hút dịch hỗ trợ cho trẻ ở phía ngoài. Đồng thời, người nhà nên gọi cấp cứu 115 tới”.
Theo các bác sĩ, phụ huynh tuyệt đối không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách ghì trẻ thật chặt vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ. Không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì vì có thể gây sặc. Đặc biệt không được dùng vật cứng để gang mồm trẻ vì sợ trẻ cắn vào lưỡi bởi rất ít khi trẻ cắn vào lưỡi trong cơn co giật. Hơn nữa, việc gang vật cứng vào miệng làm tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng, sứt lợi trẻ.
Không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ mặc dù trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run. Phải hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể trẻ và môi trường xung quanh. Đó là biện pháp an toàn nhất để phòng chống và cắt cơn co giật cho trẻ
EmoticonEmoticon